
Mình đặt mua BẠN KHÁC GIỚI của CHIHAYA AKANE trên TIKI. Có 2 nguyên nhân khiến mình mua quyển sách này. Đầu tiên là SALE và thứ 2 là bị CHỬI nhiều quá.
Đây là quyển sách mà mình nghĩ bị lên án nhiều. Vì cô gái trong truyện ngoại tình, có đời sống tình dục thoáng. Lối sống truỵ lạc, bê tha. Hầu như mọi lời nhận xét đều là như thế ở thời điểm mình mua.
Chính vì vậy, trong đầu mình luôn nghĩ
Ờ, đây là quyển sách chưng cho kín kệ sách. Thế thôi
Sự thật, mình đã đọc quyển sách này ít nhất 6 lần.
Lần 1, không cảm nổi. Đọc khoảng mười mấy trang đầu. Thì mình quay đầu.
Lần 2, vẫn không cảm nổi. Đọc được đến trang 50. Thôi, gấp để đó không đọc tiếp. Khi nào rảnh thì đọc.
Lần 3, ừ thì đọc được gần nửa quyển. Sau đó có việc bận nên gác lại. Mình bắt đầu chú ý đến nó.
Lần 4. Mình đọc Full quyển. Ừ thì cảm giác không đến nỗi tệ như mình nghĩ.
Lần 5. Mình đọc lại một lần nữa Full quyển. Một cảm xúc gì đó rất khác len lỏi vào tim mình. Vốn là một người ưa dòng văn học hơi hướng cổ điển và lãng mạn. Mình nghĩ đáng lẽ “ những câu văn thực tế đến dung tục” này sẽ VÔ CÙNG KHÓ để mình thích.
Lần 6. Mình quyết định Review BẠN KHÁC GIỚI CHIHAYA AKANE với một góc nhìn khác. Mang theo chút cảm tính.
Đây thực sự là một quyển sách VÔ CÙNG ĐẶC BIỆT.

Một chấm đen trên tờ giấy trắng
Mình từng đọc một câu chuyện như thế này.
Có một giáo sư nọ vào một ngày đẹp trời khi bước vào lớp đã yêu cầu sinh viên của mình làm một bài kiểm tra.
Tất nhiên sinh viên chịu kiểm tra bất ngờ là chuyện rất đương nhiên thôi.
Tuy nhiên bài kiểm tra hôm đấy lại cực kỳ đặc biệt. Không những ấn tượng mà còn rất khó hiểu.
Vị giáo sư đã đi phát đề bài cho cả lớp. Sau khi tờ đề cuối cùng rời tay thì ông đã yêu cầu những sinh viên của mình lật tờ đề lại.
Trên tờ đề chỉ vỏn vẹn một tờ giấy mà dấu chấm tròn ở giữa. Hoàn toàn không có gì khác. Không bao gồm bất kỳ kí tự hay chữ số nào. Tất nhiên những sinh viên ở dưới hoàn toàn bất ngờ và không hiểu nên làm gì với đề bài kiểm tra này.

Lúc này vị giáo sư đã nói với cả lớp rằng:
“Các em hãy viết hết ra những gì các em nhìn thấy từ tờ giấy kiểm tra này”.
Let’s go…
Hầu như tất cả những sinh viên khi ấy đều rất hoang mang, khó hiểu với một đề kiểm tra như thế. Tuy nhiên, họ vẫn thực hiện yêu cầu của vị giáo sư nọ.
Gần như tất cả những sinh viên có mặt trong buổi kiểm tra hôm đó đều cố gắng miêu tả thật chi tiết và tỉ mỉ về chấm đen đó. Như một lẽ đương nhiên.
Vị giáo sư sau khi thu tất cả bài kiểm tra đã đọc từng bài lên.
Những câu trả lời tương tự nhau. Chấm đen xuất hiện như một minh chứng cho sự tồn tại đen tối. Và mọi người đã quá quen với việc màu đen là tượng trưng cho những gì xấu nhất, tà ác nhất, sai lầm nhất.
Lúc đọc xong bài luận cuối cùng vị giáo sư mới bình tĩnh nói với cả lớp rằng.
“ Các em chỉ chăm chăm nhìn vào chấm đen và miêu tả về nó. Nhưng không ai trong các em nhận ra rằng. Dấu chấm đen đó được viết trên một nền giấy trắng”.
Khi mình đọc quyển sách này. Ban đầu, mình “không ưa” vấn nạn ngoại tình. Và mình mặc định đây là một quyển sách chẳng mấy hay ho gì cho cam.
Mình dùng tâm lý “ Đây chắc chắn 100% sách rất thô thiển, không đáng đọc” để nhìn nhận về BẠN KHÁC GIỚI CHIHAYA AKANE.
Đốm đen đó làm ảnh hưởng đến tâm trạng của mình. Và vô tình, mình từ bỏ việc đọc nó vì cảm xúc tiêu cực, chưa kịp nhận ra tờ giấy trắng có một chấm đen.
Sau cùng BẠN KHÁC GIỚI vẫn là một quyển sách KHÔNG TỆ và ĐÁNG NGHIỀN NGẪM.
Nhân vật và nội dung câu chuyện phản ánh hiện thực trần trụi của xã hội hiện đại
2020, việc ngoại tình là việc khá HOT.
Nào là thế giới hôn nhân đến 30 chưa phải là hết đều nói đến việc ngoại tình.
Ngày nào “lết” lên MXH hay báo mạng đều có vài bài nói về việc ngoại tình.
Đọc riết “ngấy” luôn ấy. Không muốn đọc nhưng vẫn không né được.
Nhưng mà BẠN KHÁC GIỚI CHIHAYA AKANE đề cập tới vấn đề ngoại tình như một việc hiển nhiên trong xã hội Nhật Bản.
Một thế giới của những con người đa tình hay những kẻ cô đơn? Và những giới hạn không thể nào bước qua.
“ Sao hai người không yêu nhau luôn đi.
Không được, nếu như thế, làm sao mà ở bên nhau mãi mãi”
Nội dung của BẠN KHÁC GIỚI
Nữ nhân vật chính của truyện tên là Kanna. Cô ấy là một người làm công việc vẽ tranh minh hoạ. Một nghề nghiệp cần tính sáng tạo cao. Cực kỳ có trách nhiệm đối với đam mê và nghề nghiệp của mình.
Nhưng cô nàng này vẫn không thoát khỏi cái “bản ngã” của nghề là luôn giằng xé giữa việc “kiếm tiền” và “ sáng tạo ra những thứ thuộc về thứ mình thực sự muốn làm”.
Đó là về công việc, có vẻ như một người làm việc cực kỳ có tâm. Thế nhưng trong vấn đề tình cảm thì dường như lại không có tâm như thế. Đối với nghề nghiệp nguyên tắc bao nhiêu thì trong vấn đề tình cảm lại buông thả bấy nhiêu. Dường như đó là 2 con người trong cùng một cơ thể sống.
Kanna ở chung nhà với người bạn trai tên là Akihito. Một chàng trai mang lại sự ổn định, mẫu người hơi cứng nhắc và đôi ba phần nhạt nhẽo. Chính vì vậy mối quan hệ của họ vô cùng vô vị.
Mối quan hệ của họ cũng không chắc là tình yêu. Chỉ là đơn giản, cho nhau cảm giác có chút hơi ấm giữa một căn nhà.
Bản chất nghề vẽ của Kanna là một nghề “hơi cô lập bản thân giữa các mối quan hệ xã hội”. Cô nàng này có thể làm việc đến quên ăn, quên mình, quên tất cả mọi thứ. Nhưng ngoài những lúc bận rộn, cô nàng cũng có những lúc rảnh rang. Và sự hiện diện của Akihito là cần thiết trong cuộc sống của Kanna.
Vì giữa họ không là một tình yêu đúng nghĩa. Cho nên sự xuất hiện của Shinji – đóng vai trò một người tình trong lén lút. Giữa họ không phải là tình yêu, chỉ là sự thoả mãn trong tình dục. Thích thì đến, không thì dừng. Cần thì liên lạc, không cần thì ngó lơ nhau.
Kanna coi khinh Shinji, nhưng vẫn cần anh ta. Còn Shinji- một bác sĩ có vợ và 2 con, vẫn luôn nghĩ rằng bản thân nắm thế chủ động. Nhưng thực ra chỉ là trò giải khát của Kanna. Những ức chế của nghề nghiệp, sự tù túng trong căn nhà danh nghĩa, khát khao giải toả thân xác. Thế là họ tìm thấy nhau.
Ngoài bạn trai mang danh phận chính thức và một người tình trong bóng tối thì Kanna còn có một người bạn khác giới là HASEO. Và có lẽ mối quan hệ giữa họ, cảm xúc chân thật của họ mới là điều “ tuy không mới mẻ nhưng lại chưa bao giờ lỗi thời”. Đó chính là BẠN KHÁC GIỚI CHIHAYA AKANE.
Mỗi nhân vật là một mảnh ghép của xã hội hiện đại
Sự hiện diện của 4 nhân vật Kanna, Akihito, Shinji, Haseo trong BẠN KHÁC GIỚI góp phần tạo nên sự thuyết phục khi xây dựng một quyển sách chuyên về chuyện NGOẠI TÌNH. 4 mảnh ghép, 4 con người, 4 tính cách, 4 quá khứ, 4 trái tim và 1 câu chuyện.
AKIHITO
Nhân vật này gần như xuyên suốt câu chuyện. Màu sắc của anh chàng khá nhạt nhoà nhưng lại là mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh của BẠN KHÁC GIỚI.
Akihito sống chung nhà với Kanna, đóng vai trò là người yêu chính thức. Theo đánh giá của Kanna thì anh chàng này có tính cách “nghiêm túc quá mức” và sinh hoạt “theo lề theo lối”. Anh chàng có lịch làm việc, sinh hoạt cố định và thường đóng khung theo mốc làm việc như vậy. Có thể nói, anh là kiểu đàn ông của gia đình.
“ Người ta thường bảo, đàn ông toàn nấu những món chỉ cần một cái chảo rán là xong. Nhưng trong năm năm chung sống, thói quen của anh không hề thay đổi, ngày nào cũng tự tay làm cơm hộp. Anh siêng năng đến mức các bà các cô ở chỗ làm đều mến mộ”
Anh chàng là kiểu đàn ông an toàn. Và sự an toàn nào cũng gắn liền với nhàm chán. Akihito không lãng mạn, cứng nhắc. Và đó là lý do mà mối quan hệ giữa Kanna và Akihito chỉ như 2 người dưng chung nhà.
Họ không hợp với việc chia sẻ và đồng cảm trong công việc cũng như quan điểm sống. Và họ cũng không “make love”. Akihito tôn trọng Kanna ngay cả khi bản thân có nhu cầu trong một thời gian dài. Và ngay cả cô đi xuyên đêm anh chàng cũng không xem đó là một nguy cơ.
Mối quan hệ này thật sự có phải là tình yêu hay không? Khó có thể kết luận chắc chắn. Tình cảm này chỉ là “ Ừ, cảm giác về nhà có sự hiện diện của một người khác” hoặc là ai đó vô tình hỏi “ Có bạn trai chưa?”- “ Ừ, có rồi”.
Tới tuổi trưởng thành ai cũng lo sợ cảm giác cô đơn. Và những người có tâm hồn nghệ sĩ như Kanna thì cảm giác đó càng dễ lên ngôi. Nhưng sự thật chứng minh khi không thuộc về nhau thì đến cuối cùng cũng chỉ là một kết thúc không có hậu.
Tóm lại Akihito là chàng trai không xấu, một người đàn ông đặc trưng của gia đình. Chỉ là họ ( Akihito- Kanna) không cùng trong một thế giới mà thôi. Và việc kết thúc mối quan hệ là chuyện không sớm thì muộn. Đó là minh chứng cho việc “tạm bợ” thuộc về nhau là khởi đầu cho một kết thúc được báo trước.
SHINJI
Nhân vật mình ghét nhất trong câu chuyện BẠN KHÁC GIỚI CHIHAYA AKANE này là Shinji.
Đúng là kiểu đàn ông vừa hèn hạ vừa bỉ ổi. Nhưng lại sở hữu cái “mác” khá hào nhoáng. Làm bác sĩ tại một bệnh viện lớn, có mối quan hệ xã hội rộng rãi “ các đầu việc đều hoàn thành tốt, biết cách ứng xử lại tình cảm”.
Quan trọng là sở hữu ngoại hình điển trai “ gương mặt góc cạnh không giống người Nhật rất hợp với bộ râu và mái tóc bù xù trong anh nam tính mà ẩn chứa sự ngọt ngào”
Thực tế ngoài xã hội đàn ông càng có điều kiện càng dễ phát sinh các mối quan hệ ngoài luồng. “Chẳng cô nào nỡ lạnh lùng trước khuôn mặt dễ thương khi lúng túng của anh”.
Đã ngoại tình, lại còn “mời gọi” đối tác 5 lần 7 lượt về nhà mình. Sau khi bị từ chối thì mới bắt đầu “bối rối” rồi lần sau lại mời gọi tiếp. Cái đồ da mặt dày.
Đến ngay chính Kanna còn nhận xét về Shinji bằng những từ ngữ như thế này.
“ Gã đàn ông ngốc nghếch, quá xem thường phụ nữ”
“ Đúng là đồ láu cá”
Và một gã đểu cáng như Shinji tàn nhẫn thay trong xã hội hiện thực rất là nhiều…
Thực ra trong mối quan hệ giữa Shinji với Kanna khó có thể kết luận ai mới là người lợi dụng ai. Nhìn cứ ngỡ như Shinji được món hời nhưng Kanna cũng chỉ là tìm một mối quan hệ “ kích thích”.
Đúng như Kanna đã từng đưa ra kết luận.
“ Kết nối hai cơ thể thì dễ, mà thấu hiểu trái tim cùng hoàn cảnh đôi bên thì thật khó. Làm sao để anh hiểu được, đối với tôi, nếu vượt qua ranh giới cá nhân thì đã không còn là cuộc chơi vui vẻ nữa. Tuy tôi muốn sự kích thích mãnh liệt nhưng thế này là đủ rồi”.
HASEO
Anh chàng này là một người đàn ông thực sự đặc biệt. Có thể mọi người sẽ nhận xét anh chàng đào hoa đa tình. Quan hệ bừa bãi với đủ mọi cô gái.
Thế nhưng, HASEO vẫn có một cô gái đặc biệt dành riêng cho mình. Đó là KANNA. Ngay cả khi cả 2 ngủ chung một giường, họ vẫn không làm gì cả.
Họ là những người bạn khác giới.
Chính Kanna cũng từng nói về tình bạn của họ như thế này:
“Haseo là người bạn khác giới vô giá đối với tôi, và sau này sẽ không thay đổi”.
Họ có một ranh giới tình bạn không thể phá bỏ. Và cả Hasao lẫn Kanna đều không muốn phá bỏ nó đi. Vì họ biết, chỉ cần bước qua lằn ranh ấy. Vĩnh viễn họ cũng không thể trở thành bạn bè một lần nào nữa.
“ Em hỏi này, với Haseo, tình yêu là gì?
…. “ Chẳng biết nữa. Chắc là luôn dõi theo”.
Sau tất cả, vượt lên trên cả người yêu và người tình thì người luôn thấu hiểu và dõi theo Kanna chỉ có là Haseo.
“ Dù gặp trắc trở như thế nào, đến phút chót cô vẫn coi đó là bài học cho bản thân. Trong thì còm nhom, lẻo khoẻo, luôn lo lắng những chuyện không đâu rồi mất phương hướng, nhưng bản chất thì tham lam không ai bằng”
Khi mình đọc quyển sách này, kết thúc quyển sách và bắt đầu viết Review, thì vẫn rất ấn tượng và day dứt với nhân vật mang tên Haseo này. Cảm thấy anh là một người rất cô đơn ngay cả khi lúc nào cũng có mối quan hệ nam nữ phong phú.
Lúc nào cũng một mình ôm tâm sự, cất giấu hết mọi tổn thương vào lòng, tự mình chịu đựng tất cả.
“ Phải chăng trước đây anh từng tổn thương và nếm trải những hối hận đắng cay khốc liệt? Nhưng kể cả có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, tôi vẫn có cảm giác, người đàn ông này cả đời cũng sẽ không tiết lộ cho bất cứ ai”.
Phía sau một người, lúc nào cũng sẽ có một câu chuyện không muốn cho người khác biết. Có lẽ thế.
KANNA
Cô gái đóng vai nhân vật chính trong quyển sách này khiến cho người khác vừa giận vừa thương, vừa ghét vừa yêu. Giận vì cô ấy thái độ với cuộc đời cứ nhàn nhạt, thương vì tuổi thơ của cô ấy bị xâm hại và không một ai bảo vệ. Ghét vì cô ấy có mối quan hệ không minh bạch, còn yêu chính bởi vì khát khao của cô ấy trong nghề.
Kanna là một hoạ sĩ vẽ truyện tranh có thái độ làm việc hết sức nghiêm túc. Và cô thực sự yêu công việc mình làm. Luôn trăn trở để vươn lên và giữ thái độ cầu tiến trong công việc.
Với những cô gái như Kanna mà nói tình yêu là thứ quan trọng nhưng công việc mới là điều quan trọng hơn cả.
Có không ít lần, cô gái ấy trăn trở với công việc hoạ sĩ vẽ truyện tranh theo đơn đặt hàng của mình. Cô luôn muốn xuất bản tập tranh của riêng cho mình. Nhưng cứ 5 lần 7 lượt bị trì hoãn, kéo dài. Có những lúc Kanna muốn từ bỏ khao khát đó.
Chúng ta đi làm cũng như vậy. Vì cơm áo gạo tiền mà đôi lúc ước mơ ban đầu vĩnh viễn khép lại. Có những người tới 50, 60 tuổi lại tự nói với bản thân mình “ thôi, để kiếp sau”.
Kanna thì không cho là như thế. Trong cô gái ấy luôn có 2 luồng suy nghĩ. Vừa phải đấu tranh vì nỗi lo vật chất hàng ngày, vừa muốn thực hiện được điều mà mình mong muốn trong đời.
Và những lúc như thế, Haseo đã cho cô một điểm tựa vững chắc. Không màu mè, đó chỉ là lời động viên để cô gái nhỏ có thêm một sự kiên định hơn với ước mơ của mình mà thôi.
“ Vậy thì cứ vẽ thôi. Đừng nghĩ….Không nghĩ thì sẽ không cảm thấy gì, thời gian cứ thế trôi qua. Cô có thể nghĩ đến những thứ khác, nhưng không thể phung phí thời gian làm việc, đến lúc ngoảnh lại nhìn thì đã đạt được mục tiêu nào đó rồi. Với người thường suy nghĩ quẩn quanh như cô thì có thể khó nhưng hãy tập trung vào việc trước mắt đi”.
Sau lời khuyên của Haseo thì cuối cùng Kanna đã quyết định
“ Phải cố gắng hết sức thôi, chỉ còn con đường đó. Phải ưu tú hơn bất cứ ai, mạnh mẽ hơn bất cứ ai. Nếu có thể, lúc nào cũng phải tươi cười như Haseo ấy”.
Đôi khi tình bạn còn lãng mạn hơn tình yêu rất nhiều.
Quyển sách BẠN KHÁC GIỚI CHIHAYA AKANE làm mình day dứt nhiều. Mình muốn viết nhiều hơn về Kanna và Haseo nhưng thôi. Mình nghĩ đến đây là đủ. Có quá nhiều thứ để nói làm mình không biết nên bắt đầu từ đâu.
Nếu bạn cũng đã đọc quyển sách này thì hãy cùng chia sẻ với mình nhé! Suy nghĩ của bạn.
Chúc bạn một ngày vui vẻ!