
Bây giờ là 2 giờ 40 phút sáng. Quyển sách này đã lấy đi của mình gần 5 tiếng đồng hồ. Đêm nay, “em ấy” đã lấy đi của mình một giấc ngủ…
Mình tất nhiên muốn ngủ chứ. Sau khi gấp sách lại, mình đã tắt đèn và trèo lên giường, trùm chăn kín mít. Và nhắm mắt lại. Một con cừu, 2 con cừu,..20 con cừu và bắt đầu “tưởng tưởng” ra cô ấy- nhân vật chính trong truyện…
Và thôi vậy. Em biết là em sẽ cùng chị thức trọn đêm nay mà Alicia…
=.=
Một quyển sách làm lòng người phải suy ngẫm…

Và ám ảnh. Tất nhiên rồi. Quyển tiểu thuyết tâm lý trinh thám nào cũng làm mình thấy ớn lạnh cả…
Đặc biệt là quyển sách Bệnh nhân câm lặng này…
Ôi, đáng lẽ ra mình không nên đọc nó trước giờ đi ngủ!
Nhưng mình lại vô cùng thích thể loại này, và không kìm lòng được…
Mình kể cho bạn nghe thói quen đọc sách ngớ ngẩn của mình
Không chỉ riêng quyển Bệnh nhân câm lặng này, mà bất kỳ quyển tiểu thuyết trinh thám nào cũng vậy. Mình có thói quen đọc rất xấu và vô cùng cảm thấy có lỗi với tác giả.
Nói ra các bạn đừng cười mình.
Mình thường sẽ đọc vài chương đầu trước, sau đó đến vài chương cuối. Còn những chương ở giữa, mình sẽ để dành đọc sau…
Mình cảm thấy mình không giỏi trong việc che giấu sự tò mò trong các câu chuyện trinh thám hay kinh dị. Cứ phải lật đến cuối trang để xem “trùm cuối” có đúng như mình đoán không?
Lúc mình lật quyển Bệnh nhân câm lặng này, thì vẫn theo thói quen cũ…
Ấy thế mà, không được nhé…
>> Điểm độc đáo khác biệt của em ấy
Quyển sách này khá là độc đáo trong cách xây dựng nhân vật. Nhưng điều tuyệt nhất là kết cấu thời gian không song hành của nó. Thật sự rất PRO.
Và nó khiến mình như phát rồ lên.
Có vài điều diễn ra trong câu chuyện, nó khiến mình nhầm lẫn. Vì để lý giải sự nhầm lẫn của nó, mà mình phải đọc xuôi dòng từ đầu đến cuối…
Mặc dù đã một phần đoán ra được “trùm cuối” trong câu chuyện. Nhưng thật khó để suy đoán diễn biến của câu chuyện. Từng lớp, từng lớp sự thật được bóc tách, nó không ngừng lôi cuốn mình….

Cá nhân mình thấy quyển BỆNH NHÂN CÂM LẶNG này thành công một phần là do cách sắp xếp đường dây câu chuyện.
Độc đáo và khác biệt….
>> Thể loại tâm lý ly kỳ Psychological Thriller
Chắc hẳn là chúng ta ít nhiều cũng có biết tới Series phim Bằng chứng thép hoặc Criminal Minds. Đây đều là những bộ phim nổi đình nổi đám…
Dân ghiền trinh thám phá án thì chắc phải cày đi cày lại điên đảo, đảo điên luôn ấy chứ. Mình chính là ví dụ điển hình nhất luôn.
Những thể loại này được gọi là Crime Thriller- hình sự tội phạm.
Thông thường, mọi người sẽ có sự nhầm lẫn nhất định giữa Crime Thriller và Psychological Thriller.
Xét về một phương diện nào đó, chúng khá giống nhau. Đều có một mẫu số chung là nạn nhân, giết chóc, cảnh sát, nhân chứng…
Tuy nhiên, xét toàn diện thì có sự phân biệt nhất định. Chúng hoàn toàn là họ hàng 4 đời với nhau.
>>>> Crime thriller
Hình sự tội phạm sẽ chú trọng đến quá trình điều tra phá án, và đưa ra những chứng cứ khoa học xuyên suốt cả quá trình điều tra. Nào là pháp y ( bộ pháp y Tần Minh cũng rất hay), pháp chứng, cảnh sát, thanh tra…Họ lật tung từng dấu vết để lại của hiện trường để tìm ra thủ phạm.
Chúng ta coi phim cũng thường hay thấy. Nào là phải tìm ra dấu vết ADN của hung thủ, dấu vân tay trùng khớp với hiện trường xảy ra án mạng. Rồi nào là người chết bao nhiêu canh giờ, nhiệt độ gan là bao nhiêu…Xong rồi trước khi chết đã đi qua đâu, máu bắn ra là dạng máu gì…
Và sau quá trình phân tách “ hùm bà lằng” đấy, sẽ tóm được một vài kẻ tình nghi. Tiếp theo đó là thẩm vấn. Và sau vài “chiêu tra khảo”, hung thủ sẽ nhận tội.
Đó là đặc trưng cơ bản của thể loại hình sự tội phạm. Mình siêu thích thể loại này luôn.
Nếu bạn cũng thích thể loại này thì có thể tìm hiểu Memories of Murder. Mình giới thiệu bộ này vì đạo diễn của bộ này là đồng đạo diễn của Parasite/ Ký Sinh Trùng. Một bộ khác cũng rất nổi tiếng là The Departed- bộ này giành 2 giải Oscar luôn, diễn viên chính là Leonardo DiCaprio.
>>>> Psychological Thriller
Thể loại tâm lý ly kỳ này thì nó lại lôi cuốn theo một hướng khác. Mình không thích thể loại này lắm. Thật ra cũng không phải không thích, mà là hơi tốn calo để phải suy nghĩ về nó.
Nó khó hiểu…một cách vô cùng khó hiểu…
Và nó ám ảnh…về mặt nội dung là một phần…nó ám vào cả đời thực…
Bệnh nhân câm lặng này là một ví dụ.
Nếu bạn đã đọc quyển này rồi. Cả một quyển sách dày cộp, xuyên suốt 400 trang giấy, đi qua 5 phần với tổng số chương “hơi bị nhiều”. Không hề có một dấu vết nào gọi là cuộc rượt đuổi cảnh sát- tội phạm.

Cảnh sát giống như một nhân vật ở ngoài câu chuyện này vậy.
Nó mở ra một đề tài, và từng bước một bóc tách đề tài đó. Người ta hay nói “ dưới mặt hồ đang yên ả, là lòng sông dậy sóng”. Mình hình dung thể loại tâm lý ly kỳ này khá giống vậy.
Bên dưới một sự thật ai cũng nhìn thấy có thể có một sự thật khác- chưa chắc ai cũng nhìn thấy.
Ẩn sâu bên trong một con người vẫn có thể còn tồn tại một- hoặc vài con người khác.
Và thể loại Psy Thriller này chủ yếu khai thác những vấn đề như vậy.
Những hình thái tâm lý cứ dần dần được tái hiện sắc nét, cách diễn đạt nhẹ nhàng nhưng nội dung diễn đạt lại sắc như dao.
Sợ thì sợ, bị ám ảnh thì bị ám ảnh. Thế mà vẫn bị u mê thể loại này. Mình đề xuất The Talented Mr. Ripley 1999, bữa tiệc máu La Cérémonie ( bộ này của Pháp).
Bệnh nhân câm lặng và lặng người trước cú Twist- mình đã bị lừa như thế nào?
À quên nhỉ. Bạn đã đọc quyển Cô gái trên tàu chưa? Đây cũng là một quyển về đề tài Psy thriller khá nổi tiếng ấy.
Quay lại với Bệnh nhân câm lặng. Đây là quyển sách đầu tay của tác giả. Quyển này trên Amazon được đánh giá khá cao. Và thật là may mắn vì đã được mua bản quyền và dịch lại. Nếu không chắc phải “đánh đu” với quyển từ điển =.=
May thế không biết…
>> NỘI DUNG
Quyển sách này xoay quanh bi kịch ngoại tình của 2 con người. Và 2 con người này đã tàn phá 2 gia đình vốn rất hoàn hảo. Gây nên một thảm cảnh rất đau lòng.
Khiến một người phụ nữ vốn rất yêu chồng của mình, trở thành kẻ sát nhân. Cô cầm súng bắn thẳng vào mặt chồng mình, không một chút chùn tay. Và sau đó thế nào, cô ấy im lặng tuyệt đối. Im lặng từ lúc cảnh sát bắt đi, cho đến lúc thẩm án, đến tận khi toà án đưa ra phán xét. Cô vẫn không hé môi nửa lời. Cô ấy chỉ điên cuồng vẽ tranh. Một bức tranh với tên gọi Alcestics.

Người ta kết luận cô gái đó “đã hoá điên”. Và họ đưa cô vào một “đơn vị pháp y”. Ở đây có những bệnh nhân phải tiếp nhận trị liệu tâm lý. Tuy nhiên, chắc chắn rồi, chỉ có cô ấy là không mở miệng nói bất kỳ lời nào cho đến khi một người tên là Theo Faber – một nhà tâm lý trị liệu xuất hiện.
Vòng xoáy của quá khứ và hiện tại đan xen nhau. Mình đã bị lừa vì cứ nghĩ trật tự câu chuyện là ở cùng một mốc thời gian. Hay ít nhất nó cũng song hành nhau.
Tác giả đã lừa tui rất ngọt ngào.
Đó là lí do mà dù đoán trúng hung thủ theo bản năng và kinh nghiệm =.=. Mà vẫn phải lội ngược một vòng lớn để đọc khúc giữa…để mất ngủ…
>> NHÂN VẬT
Truyện này có cũng hơi nhiều nhân vật đấy. Mỗi nhân vật ( dù là nhỏ) thì cũng là mảnh ghép không thể thiếu để hoàn thiện để hoàn thiện nên bức tranh toàn cảnh về chân dung Bệnh nhân câm lặng.
>>> Gabriel Berenson
Mình sẽ nói về nhân vật này trước. Anh ấy là nhân vật khá thú vị các bạn ạ.
Nếu bạn muốn hỏi là thú vị như thế nào thì mình cũng xin thưa. Anh ấy thú vị vì mình chưa kịp biết gì về anh ta, là anh ta đã “ngủm củ tỏi” rồi.
Bị vợ mình bắn- ít nhất mọi người đều mặc định là thế.
>>>> Vỏ bọc hoàn hảo
Anh chàng quá cố này từng là một nhiếp ảnh gia khá có tiếng trong nghề. Có một gia đình gần như hoàn hảo. Trong mắt vợ mình, Gabriel là một người chồng hoàn hảo, là người đã cứu rỗi cuộc đời cô. Cô đã cho rằng không có bất cứ điều gì có thể tách lìa 2 người trừ cái chết ra.
“ Khi đã có anh, mình chẳng cần ai khác. Anh đã cứu mình, như Jesus cứu thế”
Xuyên suốt quyển sách Bệnh nhân câm lặng này, Gabriel Berenson được khắc hoạ gần như toàn ưu điểm. Từng chi tiết nhỏ đều chứng tỏ anh chàng là một người chồng tâm lý, tình cảm, thu nhập tốt, chiều vợ, hơn nữa còn đẹp trai.
“ Em trai tôi có mái tóc và ngoại hình thật tuyệt”
“ Gabriel thường cầm máy ảnh đi khắp nơi và chụp ảnh. Cha tôi nghĩ cậu ấy bị khùng. Nhưng hoá ra, em trai tôi lại là một thiên tài”
“ Gabriel đã làm tất cả những gì có thể để khiến cô ta hạnh phúc”
“ Nó là người đàn ông tốt nhất mà tôi từng gặp. Vô cùng tốt bụng”
Umh, anh chàng Gabriel này làm mình ấn tượng. Vì tác giả gần như đã miêu tả nhân vật này rất hoàn hảo. Từ cách cô vợ nhìn nhận, đến những người xung quanh nhìn nhận, và cả những thành tích anh ta có được.
Ấy thế mà…trên đời này làm gì có con quạ nào không đen cơ chứ…
Cái lỗi mà anh ta phạm phải, dù có tốt hơn nữa cũng không có ý nghĩa gì…

>>> Kathy
Ôi trời mình thề mình ghét cái nhân vật này nhất luôn. Không ưa cô nàng này chút nào.
Bệnh nhân câm lặng một phần cũng là do bà cô này gián tiếp gây nên chứ đâu.
Sau bao nhiêu chuyện mà bả gây ra, bả vẫn sống bình an vui vẻ. Còn những người còn lại kẻ chết người bị thương.
Thế có oan trái không cơ chứ….
Nhân vật Kathy trong bệnh nhân câm lặng sở hữu một sự cuốn hút rất “đàn bà”. Nói nôm na thì đàn ông nhìn cô ấy là muốn làm tình cùng cô ấy. Chồng của cô ấy trước đây và cả người tình trong bóng tối đều không cưỡng lại được sự hấp dẫn.
Tất nhiên rồi, cô ấy là một diễn viên kịch. Không những đẹp mà còn biết diễn. Và cô nàng này đã có một vai diễn rất tròn, dám chắc còn được hẳn tượng vàng Oscar ấy chứ.
>>> Theo Faber
Nhân vật tuyến chính của Bệnh nhân câm lặng. Anh chàng này là chồng của Kathy. Và là một bác sĩ tâm lý trị liệu. Sau một kỳ phỏng vấn, thì anh ta đến làm việc tại The Grove- nơi mà “ kẻ sát nhân im lặng” đang điều trị.
Mọi thứ có vẻ từ không ổn cho đến rất ổn. Anh ta là người làm việc rất có tâm. Phải nói là tác giả đã đưa người đọc, nuôi dưỡng cảm xúc của người đọc về hình ảnh một Theo Faber.
>>>> Người làm việc chuyên nghiệp
Ngay cả khi anh ta biết mình sẽ bị đuổi việc nếu cứ cố tiếp cận kẻ câm lặng kia. Nhưng anh ta vẫn làm. Một bác sĩ trị liệu vĩ đại và cao cả, có tâm, hết lòng về bệnh nhân….
Hết lần này đến lần khác. Kể cả những lần mà Alicia làm anh ta bị thương hay giữ thái độ nhất mực im lặng. Và cả lần mà Alicia nói dối. Tất cả đều đưa sự “nhẫn nại” của Theo Faber lên cao. Người đọc thấy hình ảnh một bác sĩ chỉ muốn giúp đỡ bệnh nhân của mình dù bằng bất cứ giá nào.
Theo Faber tìm kiếm tất cả những người có mối liên hệ với Alicia. Thậm chí còn lặn lội xa xôi đến ngôi nhà trước năm 18 tuổi Alicia đã từng ở. Và không chỉ đến đó 1 lần. Cho đến tận khi nghe được Paul nói về một câu nói mà trước đây Alicia đã từng nói
“ Bố đã giết chị, bố vừa mới giết chết chị”
Lúc đó, mình nghĩ Theo Faber đã biết được mấu chốt để có thể điều trị tâm lý cho Alicia một cách hoàn toàn.
“ Trong đầu tôi, từng hồi chuông như ngân vang không ngừng, réo rắt và tham vọng. Đây chính là điều mà tôi đã tìm kiếm. Cuối cùng, tôi đã tìm thấy nó- mảnh ghép còn thiếu của bức tranh”
>>>> Một người chồng bị vợ cắm sừng và sự im lặng
Kathy và Theo có một cuộc tình lãng mạn. Họ gặp nhau khi cả hai đã có người đồng hành tại một bữa tiệc. Và bất chấp những lời chia tay chưa kịp nói, họ lao vào nhau. Và kết hôn.
Theo là người có hoàn cảnh sống khi còn bé rất đáng thông cảm. Anh ấy không hạnh phúc và không cảm thấy may mắn khi được sinh ra. Thậm chí còn từng tự tử.
“ Những cơn giận bất ngờ và khó đoán của cha tôi có thể biến mọi tình huống dù vô hại đến đâu, thành một bãi mìn…Căn nhà như rung chuyển mỗi khi ông gào thét và đuổi theo tôi lên gác, vào tận phòng riêng. Tôi sẽ trốn xuống gầm giường, ép người sát vào tường…Nhưng rồi tay ông sẽ tóm được tôi, kéo tôi ra ngoài để tôi đối mặt với định mệnh. Ông sẽ cởi thắt lưng ra,…, mỗi cú đánh đều khiến tôi giật bắn người và lăn sang một bên, da thịt tôi bỏng rát”
Một đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong cảnh bạo hành thì lâu dần, sẽ biến thành một nỗi ám ảnh. Nỗi ám ảnh đó cứ như con quái vật, từng chút một gặm nhấm lấy nỗi đau của họ và cắt nuốt linh hồn. Cuối cùng, chỉ còn lại một cái xác không hồn.
Kathy trở thành nguồn sáng của Theo. Cô ấy như một loại “tín ngưỡng” mà Theo đã tìm thấy trong cuộc đời mình.
Cô ấy giang tay ôm tôi vào lòng và thì thầm bên tai tôi “ Giờ thì em hiểu rồi…em hiểu hết, và em càng thương anh nhiêu hơn”
Có lẽ vì thế, Kathy được tha thứ, ngay cả khi cô ấy ngoại tình…
>>>> Sự thanh thản và hình ảnh bông tuyết
Tội ác nào cũng cần bị trừng trị. Có lẽ công lý luôn ngự trị trong tim mọi người. Không cần nói quá nhiều về những bản án, hình phạt.
Kết cục mà tác giả dành cho Theo theo mình là một kết cục đẹp. Cuối cùng, anh ta cũng được giải thoát. Vì đây là một thể loại Psy cho nên dùng sự giải thoát tâm lý để kết thúc quyển sách là rất thông minh. Ít nhất là mình thấy vậy =.=
“ Trong lúc nghe ông ta đọc, tôi nhìn lên những đám mây trắng đang lững lờ trôi. Cuối cùng, trời cũng bắt đầu có tuyết. Tôi mở cửa sổ và đưa tay ra ngoài. Tôi với tay bắt lấy một bông tuyết, nhìn nó tan dần trên đầu ngón tay”
Tôi mỉm cười và bắt lấy một bông tuyết khác”
>>> Alicia Berenson
Cô ấy- Alicia- nhân vật đã bắn thẳng 5 phát đạn vào mặt chồng mình không do dự. Và im lặng trong suốt thời gian về sau. Cô chọn cách im lặng như một hình thức tự vệ đầy sự “bất khả kháng”.
Cho đến khi Theo Faber đến.
>>>> Cô ấy hạnh phúc
Ở trước thời điểm Alicia giết chồng mình, cô ấy đã ngỡ mình là một người phụ nữ hạnh phúc. Cô ấy có một nghề nghiệp tốt- là một hoạ sĩ tài năng. Và sắp mở cuộc triển lãm tranh. Hơn thế nữa, cô còn là một người phụ nữ đẹp.

Cô kết hôn với một nhiếp ảnh gia nổi tiếng. Và họ có cuộc hôn nhân viên mãn và lãng mạn. Trong nhật ký của mình, Alicia đã từng viết
“ Trong thâm tâm, anh lại là một người lãng mạn sâu sắc, dù không thích những lời bay bướm. Hành động luôn có sức thuyết phục hơn lời nói. Và những gì Gabriel làm luôn khiến mình cảm thấy được yêu thương một cách trọn vẹn”
>>>> Từng lớp tổn thương được bóc tách dần
Tác giả miêu tả tâm lý của Alicia khá hay. Trong hành trình tìm kiếm “chìa khoá” chữa bệnh cho Alicia- bệnh nhân câm lặng thì Theo Faber đã từng lớp bóc tách nỗi đau mà cô gái này đã chịu đựng.
Cha ruột của cô ấy từng nói với cô ấy như thế này
“ Cô gái của tôi, cô gái tội nghiệp của tôi, Eva…Tại sao em lại phải chết, tại sao lại là em, tại sao Alicia không chết thay em chứ”…
Khi đọc đến đây, mình thấy rất thương cho cô ấy. Tuổi thơ, Alicia đã chịu đựng quá nhiều.
Khi kết hôn với Gabriel cô ấy đã bị chính anh chồng của mình “ cưỡng hôn một cách thô bạo”. Và phải hợp tác với một người “cộng sự” đáng gườm. Alicia đã nói “sợ” người cộng sự này.
Và khi đến phút cuối.
- Tao đã định giết mày. Nhưng Alicia đã xin tao tha mạng cho mày. Vậy nên, tao sẽ cho mày một lựa chọn. Một trong hai người phải chết, hoặc là mày…hoặc là Alicia. Mày chọn đi..Mày có sẵn lòng chết vì cô ấy không?
- Tao không muốn chết…
Và vào giây phút đó “ bên trong mình, mọi tế bào như cạn khô, chúng héo lại, như cánh hoa úa tàn rơi khỏi đài hoa”
Alicia đã chết một lần nữa. Chết vì niềm tin trong cô tan vỡ…như chính cái ngày mà cha cô đã thốt ra những lời nói kia- giết chết cô lần đầu tiên…
Nhân vật Alicia là một bệnh nhân câm lặng, cô ấy đóng vai một người câm và dùng thái độ im lặng để chờ đợi. Cuối cùng, cô cũng chờ được…người mình cần…
KẾT
Cú Twist trong quyển sách này gây cho mình ấn tượng rất mạnh mẽ. Mạch thời gian theo lời kể của tác giả đã có một cú lội ngược dòng khá ngoạn mục.
Thực sự, nếu nói là nội dung đặc sắc. Không hẳn. Mới mẻ cũng không hẳn là mới mẻ. Nhưng cách tác giả dẫn dắt tâm lý khiến người đọc như đi vào mê cung. Cái này mới thực sự là nghệ thuật.
Đằng sau một sự thật, luôn có rất nhiều sự thật khác chờ được bóc tách….
Mình còn định viết về các nhân vật khác, nhất là Ruth, nhưng thôi. Mình dừng lại ở đây nha mọi người. Ngay cả khi mình đã viết một bài dài review mình vẫn thấy mình có thể viết thêm vài bài nữa về quyển Bệnh nhân câm lặng này. Vì ở quyển sách này, còn rất nhiều điều có thể nói tiếp.
Mọi người nếu hứng thú về đề tài này hãy mua sách ủng hộ tác giả và nhà xuất bản nha….
Chúc mọi người một ngày ý nghĩa và trọn vẹn ^^!
Bạn có thể xem thêm Review các quyển sách khác tại đây ^^!
Không phải chưa đủ NĂNG LỰC, mà là chưa đủ KIÊN ĐỊNH- HÀN XUÂN TRẠCH | MayVuBlog
Nghĩ đơn giản sống đơn thuần Tolly Burkan | MayVuBlog
Một lần tới nhân gian phải sống đời rực rỡ_ Lương Sảng | MayVuBlog
Tôi có câu chuyện bạn có rượu không_ Quan Đông Dã Khách | MayVuBlog
Tôi có một chén rượu có thể xoa dịu hồng trần_ Quan Đông Dã Khách | MayVuBlog