
Biến công việc thành đam mê của tác giả Bruce Daisley mình đã đọc nhiều lần trước khi Review. Chỉ mất tầm hơn 2 tiếng để đọc hết vì nó khá là dễ hiểu.

Tuy nhiên, nó không dễ áp dụng, đặc biệt ở môi trường làm việc như ở Việt Nam mình. Nghiêm túc mà nói, môi trường phương Tây cởi mở và năng động hơn ở Việt Nam.
Thẳng thắn hơn, những nguyên tắc trong quyển sách này chỉ có thể áp dụng 50-60% với đại đa số người lao động Việt Nam thôi. Thậm chí khi bạn làm việc cho một số công ty gia đình quy mô nhỏ thì việc áp dụng được còn có khả năng thấp hơn.
Nhưng mà, quyển sách Biến công việc thành đam mê này của tác giả Bruce Daisley vẫn là một quyển sách đáng đọc. Đọc để học cách điều tiết nguồn năng lượng tiêu cực trong công việc hiện tại của bạn. Và học cách quý trọng “ sự tồn tại của công việc” trong cuộc sống của bạn ^^!
“ Công việc của chúng ta- bất kể là gì- đều giúp mang lại ý nghĩa của cuộc sống. Mặc dù chúng ta có thể miễn cưỡng thú nhận sự yêu thích dành cho công việc, nhưng chúng ta không bao giờ nên xấu hổ khi cảm thấy tự hào với niềm hạnh phúc có được từ công việc”.
Dù bạn có đang làm một công việc mà bạn không thích, thì quyển sách này sẽ chỉ ra các công thức để bạn tiếp nhận và dần yêu nó hơn. Và quan trọng, thay đổi tư duy làm việc của chính mình ^^!
Tiến hành một buổi họp đi dạo
“ Không có gì mang lại cho bạn ý tưởng bằng một cuốc tản bộ vào ban đêm” _ J.K.Rowling.
Việc đi dạo khi bạn đang bí ý tưởng. Hoặc bạn đang mắc kẹt trong suy nghĩ hỗn độn nào đó là hoàn toàn đúng ở khía cạnh khoa học. Có rất nhiều báo cáo khoa học đã đề cập đến vấn đề này. Khi bạn đang phải đối diện với một vấn đề khó nhằn nào đó,“vò đầu bứt tóc” thì tản bộ là “ một hành trình thúc đẩy sự sáng tạo”.
Với cá nhân này, việc đi dạo là đúng. Mình là người làm việc mà không cần đến văn phòng nhiều. Hầu hết đều trao đổi bằng Zalo/ Facebook hay Facetime. Mỗi tuần team mình sẽ duy trì họp 1-2 lần.
Quá trình làm việc tại nhà nhiều khi sẽ nảy sinh cảm giác bứt bối và bị sao nhãng. Và cũng có rất nhiều việc bị giới hạn. Và những lúc mà mình nhủ “ Ôi thôi, không được rồi, không ổn, không ổn”. Mình cũng bắt đầu bằng việc rời không gian làm việc.
Đi bộ tới một quán cafe quen thuộc là cách mình hay làm. Trong thời gian đi bộ đó, vài lần mình đã nghĩ ra một vài ý tưởng hay ho và đột phá.
“ Tôi đã nảy sinh những tư duy hay ho nhất khi đi dạo, và tôi biết rằng không có suy nghĩ nào nặng nề đến nỗi người ta không thể xoá bỏ khi đi dạo”_ Soren Kierkegaard…
>> Giải phóng Dopamine
Bạn có nghe đến một loại Hoocmon mang tên là hạnh phúc chưa? Đó là Dopamine. Hoocmon này được sinh ra khi bạn tiếp xúc với ánh mặt trời và hoạt động thể chất. Ví dụ như đi bộ, thiền, nghe nhạc và kể cả là ngủ đủ giấc.
Điều này thật kỳ diệu đúng không?
Cho nên việc bạn đi bộ khi tâm trạng đang rất tệ, ra ngoài hít thở không khí hay đi dưới ánh mặt trời đều có thể cải thiện tâm trạng bạn đáng kể.
Nhất là với những bạn đang làm công việc sáng tạo, cần nhiều hơn một điểm khác biệt trong suy nghĩ thì việc duy trì hoocmon hạnh phúc là cách khơi gợi và tái tạo niềm cảm hứng bất tận…
>> Nguyên lý 7 phút 30 giây
Chris Barez Brown là người đứng đầu công ty đào tạo kỹ năng mang tên Upping Your Elvis đã áp dụng một quy trình mang tên “ ĐI DẠO CÙNG NHAU_ WALK IT OUT” để giúp đội ngũ lao động trực thuộc công ty của họ giải phóng năng lượng tiềm thức. Mục đích nâng cao tính sáng tạo, tháo gỡ các trở ngại về mặt tâm lý.
Cách làm rất đơn giản. Ông sắp xếp các cặp thành viên đi với nhau trong 7 phút 30 giây với nguyên tắc một người lắng nghe và một người nói.
“ Thường thì khi quay lại, mọi người đã có suy nghĩ rõ ràng hơn- về những thứ mà họ không tập trung vào, những thứ khiến họ trăn trở”
Và như những gì chúng ta vừa đề cập từ đầu bài đến giờ, khi bạn đang gặp rắc rối với những suy nghĩ mất trật tự thì cách tốt nhất là” đứng dậy khỏi bàn làm việc và đi bộ một chút ở bên ngoài.
“ Tất cả những suy nghĩ tuyệt vời đều sinh ra từ việc đi dạo” _ Friedrich Nietzsche
Loại bỏ chứng bệnh vội vã
Trong Biến công việc thành đam mê thì phần mục loại bỏ chứng bệnh vội vã này có lẽ là phần mà mình cần nhất. Kiểu giống như “đơn thuốc” này được kê ra để áp dụng cho mình vậy.
Mình bị cái chứng bệnh “vội vã” này cực kỳ nghiêm trọng. Muốn làm mọi thứ thật nhanh chóng và cũng muốn mọi thứ hoàn thành một cách chóng vánh. Khi lên lịch 1 tháng, mình muốn list công việc phải xong trong 2 tuần. Khi lên công việc 1 tuần, mình muốn mọi thứ phải xong xuôi trong 3 ngày.
Và mặc dù nó cũng xong đúng hạn, nhưng cũng dẫn tới nhiều vấn đề về tâm lý. Tâm trạng của mình nặng nề hơn, tự cảm thấy áp lực. Lúc nào đầu óc cũng lâm vào thảm cảnh “sẵn sàng cắn người”. Và vì suy nghĩ quá nhiều, mà việc mất ngủ cũng trở nên khó kiểm soát.
Mình không thể phủ nhận một sự thật. Nếu công việc lên trong 1 tháng mình hoàn thành đúng trong 1 tháng thì chất lượng công việc sẽ có thể tốt hơn nữa. Có rất nhiều ý tưởng hay ho đã bị bỏ lỡ với việc thu hẹp Deadline công việc như thế =.=
Dục tốc bất đạt.
>> Chứng bệnh vội vã của người hiện đại
Tác giả đã chỉ ra chứng bệnh vội vã là chứng bệnh “thời đại”. Khi bắt gặp đèn đỏ, chúng ta dừng lại. Nhưng khi đèn đỏ còn 1, 2 giây mới chuyển sang xanh, chúng ta theo số đông đã bắt đầu di chuyển. Hoặc thậm chí, ở những ngã ba ngã tư, khi đèn còn tận 5s- 10s mới chuyển màu thì các xe đằng sau đã bấm còi liên tục “hối” người đằng trước.
Và việc dùng thang máy cũng vậy. Nếu bạn ra vào một toà cao ốc nào đó đúng vào giờ chuẩn bị làm việc thì sẽ thấy cảnh tượng rất đông người đứng xếp hàng trước cửa thang máy. Và hầu hết 90% sẽ vừa nhìn thang máy, vừa nhìn đồng hồ hoặc điện thoại.
Khi bước vào trong, nếu thang máy không đóng lại ngay lập tức, chắc chắn sẽ có người đưa tay bấm liên tục vài lần. Khi lên đến tầng, lại một lần nữa, cửa thang máy không kịp mở ra, lại có người ấn điên cuồng. Thực chất, chỉ vài giây mà thôi, nhưng không nhiều người có thể kiên nhẫn.
Đa phần mọi người có thể bỏ ra hàng giờ đồng hồ để xem một vài clip trên Youtube. Hay buôn dưa lê với cô bạn đồng nghiệp về việc màu áo phối chẳng hợp gì với đôi giày cô ấy diện hôm nay. Thậm chí các phòng ban công sở còn có thể bỏ ra hàng giờ để nói xấu Online sếp trong cuộc họp. Nhưng mọi người thường không chịu bỏ ra vài giây để kiên nhẫn chờ đèn đỏ chuyển hẳn sang đèn xanh. Và kiên nhẫn chờ cửa thang máy mở hẳn ra.
>> Vì sao có tâm lý vội vã này?
Tâm lý vội vã là điều thường thấy trong cuộc sống hiện đại. Có vô số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng tâm lý này.
Áp lực từ việc hoàn thành gấp rút công việc càng nhanh càng tốt. Trong tâm lý của mình, mình luôn lo là nếu lỡ trong tương lai gần, mình có công việc đột xuất. Hoặc là giả định công việc có trục trặc gì thì không có thời gian “sửa” hoặc điều chỉnh. Thêm nữa, dù sao hoàn thành trước công việc cũng tốt hơn là trễ hạn.
Giống như việc vài giây đèn đỏ. Có nhiều người đang có một công việc cần hoàn thành ở nhà, hoặc ở cơ quan. Hay đang trên đường đi đến một cuộc hẹn quan trọng nào đó. Sắp trễ giờ đi làm, muộn giờ đưa đón con đi học, quá giờ khám bệnh hay tụ tập bạn bè.
Khi chúng ta rơi vào thế “ đang có một điều gì cực kỳ quan trọng chờ đợi mình phía trước” sẽ góp phần tạo nên tâm lý vội vã. Ví dụ môi trường công sở, việc đi chậm 2s cũng quyết định việc cuối tháng bạn có được thưởng chuyên cần hay không. Như vậy, vội vã là đương nhiên
Mỗi ngày, chúng ta đều có rất nhiều việc cần phải hoàn thành. Tức là mỗi người đều sẽ rất bận rộn với khối lượng công việc “đồ sộ” làm mãi không hết. Như vậy, từng giây, từng phút đều rất quan trọng.

>> Giải pháp cho chứng bệnh vội vã
Nếu bạn đang là người nhiễm căn bệnh vội vã này giống mình. Thì có thể cùng mình tìm hiểu một vài phương pháp để khắc phục chứng bệnh thời đại này nhé!
Đầu tiên, cho phép bản thân không làm gì. Hãy xem sau đó bạn cảm thấy thế nào. Bạn có cảm thấy bớt lo lắng và căng thẳng hơn không? Một khoảnh khắc bình yên hơn những thời điểm khác trong ngày sẽ làm giải toả những lo lắng của bạn. Bạn sẽ nhận ra sự thư giãn đằng sau mớ công việc không thể làm hết được. Hơn nữa điều này còn làm tăng sự sáng tạo.
Đặt ra câu hỏi cho chính bản thân mình.
“ Lần tới, bạn thấy bản thân đang yêu cầu một cái gì đó thật nhanh. Bạn cần phải tự vấn xem liệu bạn có thực sự cần nó càng sớm càng tốt hay không. Nếu bạn có thể đẩy vài thứ bớt gấp gáp đi, bạn đang trung thực hơn với bản thân”
Cuối cùng, một lời khuyên mà mình cảm thấy rất có ích của tác giả. Bạn hãy thử một lần lái xe mà không cần nghe nhạc, tắm mà không nghe Radio. Tập thể dục mà không dính lắm Spotify. Hãy xem sau đó có những suy nghĩ nào sẽ chiếm lấy tâm trí chúng ta.
CƯỜI
Hãy cho phép bản thân cười nhiều hơn là lời khuyên của rất nhiều người. Lúc mà mình đọc tới đây thì thực sự cảm thấy ngạc nhiên vì có một phần “ ngộ ngộ”. Cười, chẳng phải là điều mà chúng ta làm hằng ngày như một việc hiển nhiên hay sao?
“ Và không chỉ đơn giản là cười sẽ mang lại cảm giác vui vẻ và bạn sẽ cảm thấy vui khi thấy người khác cười; sự hài hước thật sự là một công cụ rất quyền năng để giúp chúng ta xử lý và duy trì trạng thái tốt”
Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Người Việt Nam chúng ta vẫn truyền tai nhau giá trị của nụ cười như thế.
“ Việc cười vui tại văn phòng không chỉ dành cho những điều tốt đẹp. Cười vui không chỉ dành cho Lễ Giáng Sinh. Bạn nên cười vui mọi lúc trong cuộc đời”

Làm cho công việc của bạn trở nên sôi nổi
Để biến công việc thành đam mê thì tất nhiên phải làm cho công việc của chúng ta trở thành một điều “ không nhàm chán”. Chẳng ai có đủ kiên nhẫn làm cả đời với một công việc mà bản thân người đó cảm thấy chán chết.
Vậy điều gì khiến công việc của bạn sôi nổi hơn bình thường?
Tác giả đã chỉ ra, điều đầu tiên chính là làm cho tâm trạng của bạn tích cực hơn. Khi chúng ta trong quá trình làm việc, nếu có thể duy trì được nguồn năng lượng tích cực. Thì tất nhiên là hiệu suất làm việc của chúng ta không chỉ cao hơn. Mà áp lực công việc cũng được giảm xuống, thời gian trôi qua nhẹ nhàng và “dịu dàng” hơn.
“ Tinh thần tích cực tạo điều kiện cho sự sáng tạo, sự linh hoạt trong nhận thức, cách phản ứng sáng tạo và sự cởi mở đối với thông tin”
Điểm thứ hai là “ sự an toàn tâm lý” với một người làm việc và lao động. Nhất là ở môi trường công sở hoặc trong cùng một nhóm. Thì việc duy trì cảm giác thoải mái và an toàn giữa các đồng nghiệp với nhau là điều cần tôn vinh.
Một đội ngũ làm việc hợp ý nhau và ít mắc lỗi hơn các nhóm đội ngũ khác có lẽ nguyên nhân cốt lõi nằm ở việc họ sẵn sàng cùng nhau thảo luận về các lỗi đó nhiều hơn. Còn các đội ngũ kém hơn thì thường có xu hướng giấu nhẹm các lỗi.

Ông bà ta đã dạy không biết thì hỏi. Muốn giỏi thì học và càng không nên che giấu cái dốt của mình.
Tập trung vào vấn đề, không phải con người
Phần này được đề cập rất ngắn trong quyển sách này. Mình ước gì tác giả đề cập tới phần này dài hơn và nhiều hơn. Cá nhân mình thấy, phần này quan trọng và rất quan trọng.
“ Hãy cố gắng tìm cách đảm bảo rằng các cuộc thảo luận xoay quanh các vấn đề chứ không phải về con người”
Bạn biết đó, khi chúng ta có trong tay một dự án. Và chắc chắn mục tiêu của chúng ta luôn là hoàn thành tốt dự án đó, tốt nhất có thể. Khách hàng cũng sẽ chẳng quan tâm dự án của bạn do bao nhiêu người thực hiện. Năng lực của mỗi người ra sao. Kèm theo đó là những rắc rối phát sinh trong quá trình thực hiện dự án do lỗi bên mình.
Cái họ quan tâm chính là “ Lợi nhuận” và “ Kết quả”.
Và cái chúng ta có thể làm là cho họ thấy những điều mà họ muốn thấy.
Như vậy, khi dự án của bạn xảy ra một lỗi nào đó bất kỳ. Dù thuộc quyền phụ trách của ai, thì giải pháp đưa ra chỉ có một. Đó chính là bằng mọi cách phải giải quyết cái lỗi đó. Mọi người phải chung sức tìm đủ mọi cách để làm cho cái lỗi đó như chưa từng xảy ra. Hoặc đưa rủi ro xuống mức thấp nhất có thể.
Việc nhắm vào một cá nhân nào đó- ở thời điểm đó- là việc thiếu thông minh và không sáng suốt. Nó chỉ khiến cho tình hình thêm tồi tệ hơn và suy nghĩ, sự sáng tạo trở nên kiệt quệ. Cuối cùng vẫn không giải quyết được rắc rối mà còn làm nội bộ tan rã.
LỜI CUỐI SÁCH
Trong Biến công việc thành đam mê này tác giả chỉ ra khoảng 30 phương pháp. Để bạn yêu quý hơn nơi làm việc của chính bạn. Hoặc có thể biến hoá tâm trạng của bạn để gắn bó với công việc bạn không phải quá đam mê nó.
Cá nhân mình ở đầu bài đã đề cập tới việc nó không phù hợp với văn hoá lao động của một đại bộ phận người Việt. Nhưng có thể, trong tương lai không xa, nó sẽ rất có ích cho bạn.

Biến công việc thành đam mê được trình bày logic, dẫn chứng khoa học cụ thể và xuyên suốt. Có quá nhiều ví dụ được liệt kê sẽ làm bạn cảm thấy dễ hiểu và gần gũi hơn.
Tóm lại là hãy yêu công việc mình đang làm vì bạn chẳng có cách nào khác nếu muốn gắn bó với nó cả đời. Và để làm được điều đó thì ngoài việc thay đổi bản thân tích cực hơn, suy nghĩ lạc quan hơn, hoà đồng với đồng nghiệp hơn thì bạn còn phải học cách hài lòng.
“ Mỗi người đều muốn làm một công việc mà họ cảm thấy tự hào…, Hãy kể cho tôi bạn đã bắt đầu #YeuNoiBanLamViec một lần nữa như thế nào nhé”.
Đọc thêm review một vài quyển thú vị khác nữa nhé ^^!
- Một lần tới nhân gian phải sống đời rực rỡ_ Lương Sảng | MayVuBlog
- Tôi có câu chuyện bạn có rượu không_ Quan Đông Dã Khách | MayVuBlog
- Tôi có một chén rượu có thể xoa dịu hồng trần_ Quan Đông Dã Khách | MayVuBlog
- Nghĩ đơn giản sống đơn thuần Tolly Burkan | MayVuBlog
- Bệnh nhân câm lặng_ Alex Michaelides | MayVuBlog
- Không phải chưa đủ NĂNG LỰC, mà là chưa đủ KIÊN ĐỊNH- HÀN XUÂN TRẠCH | MayVuBlog
Chúc các bạn một ngày làm việc vui nhé ^^!