
Đây là một quyển sách rất hay, LOGIC. Mình đã đọc nó nhiều lần.
Không phải hay chỉ vì câu từ trau chuốt. Mà điểm hay mấu chốt ở đây là giúp cho những “đồng lười” bớt thoát khỏi “bể lười”.
Trong đó có mình…và tất nhiên là sẽ bao gồm rất nhiều bạn khác nữa.
Quyển sách này bao gồm 5 chương gói gọn trong 207 trang được tác giả trình bày rất khúc chiết. Có rất nhiều câu chuyện minh hoạ và dẫn chứng cụ thể khoa học.

Quan trọng hơn là bản thân tác giả là một nhà tư vấn tâm lý và đây là quyển sách ứng dụng tâm lý học để kiểm soát bản thân. Cho nên mình đã ưu tiên lựa chọn và quả thật không hề thất vọng.
Nó không những không phải là một quyển sách dễ đọc, dễ “cảm” mà còn là một quyển sách phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới có thể “ứng dụng” được.
Không phải chưa đủ NĂNG LỰC mà là chưa đủ KIÊN ĐỊNH – một quyển sách hãy xem để hiểu bản thân hơn.

Quyển sách này sẽ giúp chúng ta tìm ra một phần trả lời câu hỏi này.
Cùng mình đến với bài viết chi tiết về quyển sách này dưới đây nhé!
Mất kiểm soát là khuynh hướng tự nhiên của con người
Mình là một người thường được anh chị, bạn bè đồng nghiệp nhận xét là “kiểm soát cảm xúc tốt”. Mình vô cùng hiếm khi nổi giận hay lớn tiếng với bất kỳ ai. Cũng không có thói quen quá mức nồng nhiệt hay bày tỏ thái độ quá khích.
Bạn thân mình hay bảo “ Ê mày, biết mày 8 năm tao chưa thấy mày nổi nóng lần nào?”.
Nổi nóng, tức giận là điều tự nhiên của con người. Mình đã từng là một đứa tính nóng vô cùng tận. Nói nóng như Trương Phi cũng không quá với mình hồi đó. Gặp chuyện gì cũng có thể nóng nảy được.
Nhưng mà việc chúng ta nóng tính sẽ dễ dẫn tới mất kiểm soát. Và một khi mất kiểm soát sẽ dẫn tới những lời nói và hành động không hay. Khi đó, có chắc là không gây tổn thương đến người khác.
Câu chuyện bị mất tiền
Hồi mới lên thành phố ở, mình ở chung với bạn để share tiền phòng cho nhẹ. Tụi mình cũng rất quan tâm nhau đúng kiểu “ở nhà nhờ cha mẹ, ra đường nhờ bạn bè”. Tuy cũng không phải quá thân mật nhưng cũng chịu khó đùm bọc nhau các kiểu.
Mình là người phải đi làm thêm sấp mặt. Học phí thì học kỳ này vừa đóng hôm nay thì hôm sau phải lo kiếm tiền để đóng cho học kỳ sau. Tiền làm thêm, tiết kiệm các kiểu thì cho vào trong ống heo.
Một lần về phòng trọ, cửa thì khoá, mấy bạn mình thì không thấy đâu. Mình mở cửa bước vào thì theo thói quen là đi uống nước. Lúc cuối xuống thùng rác nhìn thấy mảnh vỡ ống heo. Chu cha mạ ơi, hoảng hồn.
Lật đật lấy điện thoại gọi điện cho bé bạn cùng phòng. Vừa nghe nó bảo “ Tao đập đó….”. Mình đã tức giận chửi nó một tăng mà chả cần biết là lý do gì cả. Cứ mắng người cho qua cơn tức thế thôi…
Mình đã thật tệ khi không hỏi nó “ Tại sao lại đập ống heo của tao?”. Mẹ nó bị bệnh, phải mổ, cần tiền gấp. Và nó đã cố gắng xoay tất cả các nguồn để có đủ tiền. Nó có nhắn tin cho mình, nhưng mình chưa đọc.
Nghe tiếng nó khóc qua điện thoại, vừa sợ hãi vừa bất lực. Mình cảm thấy mình thật tệ khi đã cư xử như vậy. Thực sự là chuyện đâu còn có đó, và nóng giận dẫn tới mất kiểm soát không phải là một cách hay chút nào.
Từ đó, mình sợ cảm giác phải giận hay nổi nóng với ai về việc gì. Mỗi lần sắp “khùng” lên, mình lại nhớ về chuyện đó. Rồi mình nghĩ về việc nếu bây giờ mình tức giận, mình có hối hận như trước đây không? Và mình dừng việc tức giận lại.
Kiểm soát suy nghĩ, đánh mất sự kiểm soát là đánh mất may mắn
Ở trong quyển sách này, chương 1 tác giả đã đề cập đến việc kiểm soát suy nghĩ của bản thân.
“ Khi một suy nghĩ mà bạn không thể chế ngự xuất hiện, tuyệt đối đừng ép bản thân không được nghĩ về nó. Bạn có thể viết những suy nghĩ mà mình không thể kiểm soát được ra giấy, sau khi viết ra, bạn sẽ cảm thấy gánh nặng trong lòng như được trút bỏ”.
Mình thấy cách này khá đúng và dễ áp dụng với bất kỳ ai. Khi viết, bản thân bắt buộc phải hiểu mình viết cái gì và thời gian sẽ được kéo dài ra. Nó khiến chúng ta cảm thấy tâm trạng bị đè nén trở nên ổn định và thấu đáo hơn.
“ Khi đầu óc tỉnh táo lại, ta sẽ suy nghĩ xem làm thế nào để giải quyết vấn đề tồn đọng trong những ý nghĩ kia”.
Lúc không tỉnh táo, ai cũng dễ đưa ra những quyết định “SAI LẦM” nếu không muốn nói là “ RẤT NGU”. Cho nên là mình chỉ cần biết là mình đang không tỉnh táo, và mọi việc sau đó là không làm gì cả…
Những nhà tâm lý học đã tìm cách chứng minh được MAY MẮN có liên quan mật thiết với cách tư duy của con người. Người có tư duy tích cực sẽ nhìn rõ tình hình và đưa ra những kế hoạch hoàn hảo, lưỡng toàn hơn.
Đa phần chính những người thành công đều nói họ rất may mắn. Tuy nhiên ít người hiểu được một khía cạnh khác là “May mắn cũng là một loại thực lực”. Họ luôn suy nghĩ vấn đề theo hướng tốt hơn, sẵn sàng tìm kiếm nhiều khả năng cho thành công của họ. Và quan trọng hơn chính là dũng cảm theo đuổi mọi cơ hội dành cho mình.
Những hiệu ứng khiến chúng ta phải có ý chí kiên định
Với chương 1, tác giả đã đề cập đến 3 hiệu ứng mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống. Đầu tiên là hiệu ứng rập khuôn, hiệu ứng hào quang, hiệu ứng mỏ neo.
Những loại hiệu ứng này đôi khi sẽ khiến chúng ta “lạc lối trong mê trận”. Chỉ chăm chăm hình thức hay ấn tượng ban đầu mà hình thành một vài nhận định không đúng trong vô thức hoặc thậm chí có ý thức.

Hãy suy xét mọi vấn đề một cách thận trọng, tổng hợp đầy đủ các thông tin mới đưa ra quyết định sau cùng.
Hiệu ứng rập khuôn
Đây là dạng hiệu ứng mang thành kiến. Thành kiến nhận thức thường có hướng phát triển theo chiều hướng nhận định cá nhân. Ví dụ một cô gái từng tổn thương trong tình cảm, bị bạn trai lừa dối. Đa phần khi nghĩ tới đàn ông sẽ gắn liền với “xấu xa”, “phản bội”.
Theo tác giả, khi một người mang thành kiến với một người thì chỉ cần tiếp xúc với họ một thời gian. Nếu phát hiện ra hành vi, lối sống, cách ứng xử của họ không giống như trong ấn tượng của mình. Thì tự khắc tư duy và nhận định về họ sẽ mất đi, thành kiến sẽ được khống chế.
Hiệu ứng hào quang
Loại hiệu ứng này đối lập với dạng hiệu ứng rập khuôn được đề cập ở trên. Loại này thường có liên quan đến người nổi tiếng hoặc người mà chúng ta có ấn tượng tốt.
Ví dụ bạn thích một ca sĩ, thường sẽ có xu hướng nghe nhạc của anh ta hát, mua đĩa anh ta phát hành. Khi anh ấy làm đại diện cho nhãn hàng nào cũng sẽ rất vui vẻ và ủng hộ. Yêu ai là yêu cả đường đi lối về.
Thực ra chưa chắc tất cả sản phẩm của người ca sĩ kia quảng cáo là tốt thật hoặc thực sự cần với nhu cầu của chúng ta. Nhưng “mình thích thì mình mua thôi” và luôn mặc định “ anh ấy đã là đại diện thì chắc chắn tốt”.
Loại hiệu ứng hào quang này cho thấy cách mà chúng ta nhìn nhận một sự việc hay một người nào đó qua “bề nổi” rất phiến diện và thiếu thực tế. Và đôi khi chúng ta biết rõ là thế nhưng lại chẳng thể kiểm soát nó.
Hiệu ứng mỏ neo
Đây là một loại hiệu ứng cực kỳ thú vị vì nó rất hay xảy ra với mình. Đó là việc soi gương. Mình đã luôn thắc mắc tại sao hình trong gương của mình lại đẹp hơn hình chụp ngoài đời. Đến khi đọc mục này, mình đã biết vì sao.
Mình luôn mang “kỳ vọng” là nhìn gương mình sẽ dễ nhìn hơn 1 tý, xinh đẹp hơn 1 tý, ưa nhìn hơn 1 tý. Và thế là mình vô tình gây ra một ám thị tâm lý. Nó khiến cho mình xinh đẹp hơn từ 1% đến 30%.
Thì ra tất cả chỉ là giả dối thôi ư? Trái tim tui đau quá….
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tâm trạng của chúng ta cũng ảnh hưởng đáng kể, nếu vui vẻ sẽ thấy mình “AUTO xinh”. Nếu bớt vui thì cũng bớt xinh.
Khi con người tiến hành bổ sung thông tin, nội dung của thông tin thêm vào sẽ bị ảnh hưởng bởi những câu chuyện mà họ nghe thấy hoặc nhìn thấy. Từ đó tác động đến kết quả đánh giá. Đây gọi là hiệu ứng mỏ neo.
Cám dỗ là thứ thoạt nhìn cứ ngỡ tươi ngon vừa miệng
Nhắc tới lại thấy đau lòng cho bản thân. Mình là một đứa khó vượt qua cám dỗ bản thân. Ví dụ vừa mới tuyên bố buổi sáng là sẽ giảm cân. Thay vì đến phòng gym thì sau khi nghe con bạn rủ đi ăn ốc, mình lại đi ngay không hề do dự.
Chương này đích thị sinh ra là để dành cho mình.
Vì sao có người chống lại được cám dỗ?
Thực sự những người này là những người rất phi thường. Sao có thể làm được điều ấy nhỉ. Việc từ bỏ những món ăn ngon, các món ăn vặt khoái khẩu. Tài ghê ấy.
Trong mục 1 của chương 2 tác giả đã đề cập đến “ sự cám dỗ”. Khi chúng ta đối mặt với sự cám dỗ, não bộ sẽ tiết ra một chất dẫn truyền thần kinh gọi là Dopamine. Nhiệm vụ chính của chất này là sẽ khống chế ý chí, động cơ của bạn. Đồng thời phát tín hiệu “ Đòi Hỏi” đến não bộ. Và thế là….
Cám dỗ lại liên quan đến một khái niệm gọi là khả năng kiểm soát chấp hành. Hiểu nôm na là khả năng điều tiết hành vi khi thực hiện một kế hoạch gì đó.
Người có năng lực kiểm soát chấp hành tốt có thể vượt qua cám dỗ cũng như các khó khăn có thể gặp phải và ngược lại. Và để trở thành người như thế thì chúng ta phải “ TĂNG CƯỜNG RÈN LUYỆN Ý CHÍ và TIẾP TỤC KIÊN TRÌ”.
Khả năng trì hoãn sự hài lòng
Để trì hoãn được sự hài lòng chắc chắn bạn phải trải qua quá trình chế ngự cám dỗ. Và khả năng chế ngự những loại cám dỗ của mỗi người là không giống nhau.
Tuy nhiên, những nghiên cứu của khoa học cũng chứng minh được một điều là khả năng chúng ta trì hoãn sự hài lòng tỷ lệ thuận với mức độ phát triển sự nghiệp. Ý chí càng mạnh mẽ thì khả năng dẫn tới thành công và đạt được những thành công bạn muốn càng cao.
Để làm được điều này thì chúng ta cần phải thường xuyên vượt qua cám dỗ, rèn luyện tính nhẫn nại, nâng cao nghị lực và kiên trì.
Buông thả nốt lần này thôi và hiệu ứng MẶC KỆ NÓ
Vấn đề “buông thả nốt lần này thôi” là vấn đề mà rất nhiều người “nguỵ biện” cho hành vi của chính mình. Trong đó mình là đứa mà hay nói câu này nhất.
Mình hay bảo với bản thân là “ Ăn hết hôm nay thôi, mai sẽ giảm cân”, “ Uống hết ly trà sữa này thề sẽ giảm cân”.
Mình nói mấy tháng nay rồi, cân nặng vẫn lên đều đều và chưa có dấu hiệu trở xuống. Có giai đoạn ngày nào cũng nói những câu đấy như một thói quen vậy.
Mình biết mình đã sai quá sai. Và sự thật là buông thả lần 1 thì khả năng buông thả lần 2 sẽ cao. Mà buông thả lần 2, lần 3 thì xác suất buông thả lần thứ n, n+1, +2 càng cao hơn nữa.
Mình đã hoàn toàn mất kiểm soát bản thân cho việc ăn kiêng.

Để tăng khả năng củng cố cho việc kiểm soát bản thân thì các nhà tâm lý học đã khuyên rằng chúng ta nên “tách riêng” mục tiêu và cám dỗ ra. Đã đến lúc chúng ta cần chấm dứt tình trạng 1 vòng tuần hoàn lẩn quẩn này rồi.
Xin hãy ĐỪNG áp dụng câu “ Mặc kệ nó, dù sao mình đã phá vỡ kế hoạch 1 lần rồi, thôi thì cứ vậy đã” nhé!
“ KHI ĐỨNG TRƯỚC CÁM DỖ TO LỚN, TA CẦN PHẢI NÂNG CAO CẢNH GIÁC”
Con người không thể thoát khỏi ảnh hưởng của hoàn cảnh
“ Đằng sau mỗi hoàn cảnh xã hội và bối cảnh cá nhân đều có một khuôn mẫu hành vi phù hợp, có tính đồng nhất và ăn khớp với hoàn cảnh ấy.
Khả năng chống lại cám dỗ của một người không chỉ chịu ảnh hưởng từ trạng thái của bản thân mà còn từ môi trường xung quanh”.
Khi chúng ta đi siêu thị. Trước khi đi đã lên hết các danh sách cần mua và khi đến siêu thị lại hiếm khi nào dằn lòng được trước các món hàng đang SALE mạnh đến 50%, 70%, “ mua 1 tặng 1”. Mặc dù những món đồ đó thực sự chúng ta chưa cần lắm nhưng vẫn mua.

Khó có thể kìm chế kích động và ngay lập tức bị thu hút dẫn tới hành vi mua hàng. Mua cho “Sướng” chứ không thực sự dùng đến. Việc để môi trường hay yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến tâm lý của bản thân là việc không nên.
Tuy nhiên việc kháng cự lại nó cũng gần như không thể.
Việc chúng ta có thể làm là cách xa những cám dỗ đó, cố gắng giảm ảnh hưởng của những hoàn cảnh môi trường đó đến mức thấp nhất. Nhất quyết không thể nó làm ảnh hưởng đến quyết tâm của mình.
Người khác sẽ làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ của bạn
Ở chương này có một mục rất hay là “ Từ chối người khác một cách hợp lý để bảo vệ sự tự chủ của bản thân”.

Trong cuộc sống, chúng ta thường rất khó từ chối những lời mời thiện ý. Ví dụ “ Đi ăn không mày, tao bao”.
Hoặc để được gọi là những người tốt bụng/ tốt tính chúng ta thường hay rất nhiệt tình với những lời nhờ vả từ người khác. Rất khó để nói lên câu chối từ, đặc biệt với những người quen biết.
Khi đi học, bạn bè thường sẽ nói những câu đại khái như ‘ Ê, làm giùm tao bài luận này đi”, “ Chép bài giùm tao đê”, “ Điểm danh giùm tao nhé!”.
Khi đi làm, đôi lúc đồng nghiệp sẽ nhờ vả “ Phần này em làm nhanh, làm giúp chị nhé!” với đủ các lý do abc xyz gì đó.
Ngay cả khi không muốn và biết việc đó là không nên thì chúng ta cũng rất ngại để làm khác đi. Cứ nghĩ là chỉ có 1 lần. Nhưng con người rất lạ, khi nhờ được lần 1, thì sẽ có nhờ lần 2. Khi nhờ được lần 2, sẽ có lần 3.
“ Hãy nhớ rằng, bạn không phải là thần tiên hô mưa gọi gió, không thể đáp ứng được mọi yêu cầu”
Nếu học được cách từ chối người khác sao cho hợp lý, bạn sẽ có sự kiểm soát nhất định với bản thân. Chỉ cần biết cân nhắc chu đáo khi từ chối người khác. Và dùng lời lẽ từ chối thích hợp thì người bạn thực sự sẽ hiểu và chúng ta sẽ duy trì được mối quan hệ tốt đẹp.
Đừng chạy theo số đông, cũng đừng cảm thấy mình nằm trong số đông và chấp nhận những yêu cầu làm mình khó xử.
Hãy là chính mình là tốt nhất.
Nếu không đủ khả năng tự kiểm soát, hãy để người khác kiểm soát thay cho bạn
“ Quan hệ xã hội và khả năng tự kiểm soát có ảnh hưởng lẫn nhau”
Bất kỳ ai khi muốn tạo mối quan hệ tốt đẹp với một người nào đó thì phải có khả năng tự kiểm soát. Nếu muốn người khác tiếp nhận mình, thì đầu tiên tính cách của mình và họ phải có điểm tương đồng hoặc dung hoà được cho nhau.
Ví dụ khi bạn có chuyện tức tối, bực bội thì thường sẽ có chuyện “ Giận cá chém thớt”. Nếu bạn đem những cảm xúc dồn nén tiêu cực của mình trút hết vào bạn mình thì thật sự
“mối quan hệ đó trước sau gì cũng toang”
Trong chương này tác giả cũng đề cập đến việc “ xây dựng mạng lưới xã hội tốt đẹp”. Khi chúng ta ở trong một nhóm người toàn những người sống tích cực, bản thân chúng ta sẽ bắt đầu muốn bộc lộ những mặt tích cực của chúng ta ra ngoài.
Nói cách khác, bản thân sẽ tự biết cách khống chế hành vi của bản thân cho phù hợp.
“ Một người thông thường có hai cái tôi. Một cái tôi lý trí và một cái tôi dễ bị cám dỗ”
Và cách tốt nhất để đối phó với cái tôi bị cám dỗ là “ tự ràng buộc bản thân”, bằng mọi giá phải khống chế bản thân, không cho bản thân một đường lùi. Vì khi hết đường lùi, tự khắc chỉ biết tiến về phía trước.
Chỉ cần chúng ta “chặn đứng” những cám dỗ có khả năng xuất hiện, rèn luyện ý chí kiên định sắt thép là mọi việc sẽ đúng mục tiêu đề ra.
“ Để giữ vững niềm tin, không buông thả bản thân, trước khi làm chuyện gì ta cũng nên đặt ra trước một ranh giới cuối cùng cho chính mình để chống lại cám dỗ, tránh làm cho ý chí trở nên nhu nhược”.
LỜI KẾT
Nội dung của quyển sách này rất sâu ở nhiều phương diện. Nhưng điểm nhấn xuyên cả 207 trang sách đều “CHỐT” ở việc “ KIỂM SOÁT BẢN THÂN”.

Bạn có thể hiểu là ở quyển sách Không phải chưa đủ năng lực mà là chưa đủ kiên định này là tập hợp những phương pháp để nâng cao ý chí tinh thần. Tất cả đều dựa trên muôn vàn thử nghiệm tâm lý.
Kiểm soát được chính mình là kiểm soát được tương lai gần của mình. Khi chúng ta kiểm soát được tương lai gần, sẽ kiểm soát được tương lai xa hơn. Và “bố cục” được cả cuộc đời một cách chủ động.
Đây chẳng phải là điều mà bất cứ ai cũng muốn hay sao?
Đó là lý do mà bạn phải đọc quyển sách này.
Một quyển sách không ngôn tình, lời lẽ cũng không hoa lá cành. Ngôn từ đều nhấn đúng trọng tâm, nội dung trọng điểm, không hề màu mè. Mỗi chương mỗi mục đều có dẫn chứng cụ thể. Không hề khô khan và cứng nhắc.
Đôi khi cuộc sống của chính mình sẽ rơi vào bế tắc hay lạc lối trong mê cung. Bản thân mình đều biết là “ KHÔNG ỔN” nhưng không biết thoát ra thế nào? Hãy đặt niềm tin vào những quyển sách “ TÂM LÝ ỨNG DỤNG”.
Mình rất tâm đắc câu nói ở đoạn mở đầu
“ Kẻ biết người là kẻ khôn. Kẻ biết mình là kẻ sáng suốt. Thắng được người là kẻ có sức lực, thắng được mình là kẻ mạnh mẽ”.
Chúng ta chỉ cần chiến thắng bản thân là đủ rồi. Mà làm sao để chiến thắng bản thân thì phải làm tốt việc kiểm soát bản thân. Làm sao để kiểm soát bản thân, hãy đọc quyển sách này nhé!